Japandi – sự kết hợp khéo léo giữa nội thất Bắc Âu và Nhật

Bạn yêu vẻ lịch lãm của phong cách Scandinavian và sự tinh tế, gọn gàng của Nhật Bản, vậy thì phong cách Japandi sẽ là sự hoà trộn hoàn hảo mà bạn tìm kiếm.

Phong cách Japandi là sự kết tinh của nét thư thái thanh lịch và cách phân bổ mạch lạc, khúc chiết. Tên gọi ‘Japandi’ được ghép lại từ hai chữ Japanese (phong cách Nhật Bản) và Scandinavian (phong cách Bắc Âu), hội tụ đặc điểm nổi bật của cả hai phong cách đó. Dưới đây là những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai phong cách gốc giúp bạn hiểu rõ hơn về tinh thần của khái niệm này.

japan8

Nền tảng của phong cách Japandi

Phong cách Japandi ra đời dựa trên sự tương đồng và cả khác biệt mà kiểu trang trí Nhật Bản và Bắc Âu cùng nắm giữ.

Điểm tương đồng

Chúng rất giống nhau ở cách khai triển tối giản, xem trọng công năng, màu sắc nhã nhặn và điểm nhấn nội thất tinh tế. Hơn thế, bản chất thẩm mỹ của cả Japanese và Scandinavian đều đến từ ánh sáng và sự chân thật của vật liệu.
Các chất liệu như vải, gỗ, đất sét, sợi đan không được xử lý quá nhiều nhằm tôn lên nét đẹp thuần chất dung dị, và trong nhà luôn có khoảng mở thoáng không chất chứa quá nhiều đồ đạc.

Cả hai phong cách đều lan toả sự dễ chịu cùng nét duyên dáng thanh lịch của sự chọn lọc, cùng cảm giác thanh thản bình yên đến từ bảng màu gần gũi thiên nhiên.

Điểm khác biệt

Scandinavian: nội thất Bắc Âu có ngoại hình rất trau chuốt, khung vành thanh nhỏ, đường bo mềm mại, chất liệu ấm áp và đặc biệt hay mang màu pastel hoặc màu lặng. Phong cách này có sự góp mặt thường xuyên của vải linen, vải bố, sắt và gỗ sáng màu như gỗ tếch, sồi hoặc bu-lô.

Japanese: nội thất Nhật Bản ưa chuộng hình khối tự nhiên cùng màu sắc đậm đà như màu gỗ thẫm hoặc màu đen, các chất liệu gốm thô mộc và vật liệu giấy, cói cũng thường xuyên xuất hiện.

Những đặc điểm của phong cách Japandi

Không gian nhiều sáng với điểm nhấn màu đen

japan1

Có thể nói phong cách Japandi trông sẽ cá tính, đậm đà hơn phong cách Bắc Âu, bởi lẽ nó là sự kết hợp giữa ánh sáng và những điểm nhấn bạo dạn của màu đen. Các món nội thất mang màu gỗ sáng sẽ được mix & match cùng đồ gỗ đen theo tỷ lệ khoảng 70-30 để tạo ra một vẻ ngoài vừa bình yên mà cũng thật khúc chiết. Bạn nên lưu ý, nội thất dù có khác màu cũng nên giống nhau về phong cách, ví dụ: cùng thuộc kiểu đương đại, mid-century đồng quê hay thiên về dáng hình Nhật Bản.

Nội thất mang đường nét hữu cơ

japan2

Không quá trau chuốt như nội thất Bắc Âu và mộc mạc bình dị như nội thất Nhật Bản, nội thất kiểu Japandi là sự cân bằng giữa hai thái cực. Chúng có những phiến gỗ dày dặn, đường nét hữu cơ không quá thanh mảnh và đặc biệt gợi chất dung dị phóng khoáng. Japandi sẽ hạn chế những nét vuốt sắc ngọt không một chút khiếm khuyết của Scandinavian và thêm vào đó những đường cong, lồi lõm tự nhiên tạo sự chân thật và gần gũi trong cảm giác.

Tổng thể màu lặng nền nã

japan4

Phong cách Japandi sẽ hạn chế sự xuất hiện của những mảng pastel ngọt ngào, mà thay vào đó tập trung xây dựng cảm giác trưởng thành, bình lặng trên bảng màu lặng thiên về tông đất và gỗ. Bạn cũng có thể phối Japandi cùng những tông màu xanh nền nã như olive, indigo để tạo cảm giác tươi mát hơn, nhưng hãy tránh sử dụng các màu nhí nhảnh như hồng phớt và bạc hà bởi chúng có thể phá tan cái chất điềm tĩnh, thanh lịch của Japandi. Nói chung một không gian Japandi sẽ lan toả nhịp điệu Zen của nét đẹp chân phương, và khiêm tốn.

Điểm nhấn văn hoá Nhật Bản’

japan5

Phong cách Japandi sẽ không thể hoàn thiện nếu bạn không đem vào đó những điểm nhấn thanh tao của xứ sở mặt trời mọc. Bạn có thể chọn những món trang trí hút mắt như đèn treo giấy xếp nếp (để gợi nhắc về nghệ thuật origami), tủ và ghế có mặt lưới sợi đan mang cảm giác phương Đông, đồ gốm có thiết kế mộc kiểu wabi-sabi, tranh màu lặng tối giản, đồ dùng bằng tre nứa mây đan và những bình hoa cắm kiểu ikebana với một nhành đơn sơ.

Không gian thoáng đãng với điểm nhấn thiên nhiên

japan6

Người Nhật rất coi trọng những quãng thở tự nhiên, do đó, để thành công với phong cách Japandi bạn cần phải biết hạn chế số lượng vật dụng. Đồ đạc không nên được xếp ken dày mà hãy để thông thoáng, chừa chỗ cho những khoảng trống thanh tịnh. Bạn cũng không nên sử dụng loại vải quá dày dặn mà nên ưu tiên chất liệu mỏng, bề mặt thô với những quãng hở xuyên thấu để nắng và gió tự do len lỏi vào từng góc nhà, khuấy động sức sống. Cây xanh cũng là một trong những điểm nhấn chủ đạo của Japandi, tuy vậy bạn không cần để số lượng nhiều và cũng chỉ nên chọn loại cây có tán thưa, lá thanh mảnh để truyền tải được chất dịu dàng, thanh nhã của Nhật Bản.

Theo Elle Decoration